Nhà Thờ Chánh Toà Phú Cường (Bình Dương)

HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂNI. LỊCH SỬ:
Hiện nay, nhà thờ toạ lạc ngay cạnh Ngã Sáu thuộc trung tâm Thành phố Thủ Dầu Một,, trên một khu đất cao hơn mặt đường lộ khoảng 4 m.
Về lịch sử, Không ai biết rõ nguồn gốc họ Phú Cường, mà trước kia gọi là họ Thủ Dầu Một. May mắn chúng ta còn giữ lại được bức thư của cha Phêrô Nguyễn Đức Nhi, Cha sở Việt Nam đầu tiên của họ Thủ viết cho Cha Poinat (Cố Oai) vào năm 1910. Ngài viết :

Vốn trước kia, đại Pháp qua Nam Kỳ thì chưa có họ Thủ, hoặc có một hai người đạo hạnh lếu láo theo ở giữa kẻ ngoại hoặc có kẻ trốn cơn bắt đạo, đến đó ẩn tránh vậy mà thôi. Đến lúc Đại Pháp đánh lấy thành Biên Hòa là năm 1861, thì qua chiếm cứ Thủ Dầu Một, vậy thì bổn đạo Tân Triều, Bến Gỗ, Búng, Lái Thiêu, Bến Sắn đổ tràn đến Thủ hoặc nương bóng cờ Langsa khỏi Trào Nam bắt bớ vì đạo, hay đặng buôn bán với người ngoại quốc. Bởi vậy sinh ra đông người có đạo ở đó. Tôi tưởng đó là gốc họ Thủ như vậy. Lúc ấy Đức Cha Bắc Kỳ (Mgr Puginier) với ít cha Langsa cùng nhiều thầy chạy trốn bắt đạo vô Sài Gòn, nên Đức Cha, ngài (Mgr Lefebre) xin các ông này lên Thủ coi sóc các họ sở ấy, vì các cha trong này khi ấy ít lắm. Lại nhận các thầy theo Đức Cha ra làm thông ngôn, như huyện Thi, Thầy Tạo, Thầy Viên, Thầy sáu Diên, các ông này “potentes” (quyền thế) lắm, nhất là huyện Thi …”. Những điều Cha Phêrô Nhi viết trên đây cũng ăn hợp với một số tài liệu lịch sử của xã hội.
II. CÁC NHÀ THỜ CỦA HỌ PHÚ CƯỜNG:
1.   Nhà thờ đầu tiên (1864):
Năm Ất Sửu, đời vua Tự Đức thứ XVIII, tức là năm 1865, cha Sorel Constant - Joseph đến Việt Nam và được sai đến Thủ Dầu Một, nơi đây ngài đã cất lên một ngôi nhà thờ đầu tiên bằng gạch, kiểu gothique, có tháp, trên gò nông cao, cạnh Tòa Bố cũ.
Nhà xứ, nhà trường Quốc ngữ thì được cất lên đồi nông thấp, đối diện mái nhà thờ, gần bên mồ mã của thời đàng Cựu (nay là nơi cất nhà chơi của trường thánh Giuse).

2. Nhà thờ thứ hai (1897):
Năm 1897, tại Thủ Dầu Một, công tác phá đồi lấp gạch, phóng đường quốc lộ được tiến hành nhộn nhịp. Vì dân phu đào đất phá nông quá nhiều, nên chân đồi nhà thờ bắt đầu bị trụt xuống, móng lồi ra làm nứt tường vách nhà thờ khá trầm trọng, khiến không sử dụng được nữa phải dỡ bỏ đi.

Thay thế nhà thờ bị hư, Cha Poinat (Cố Oai), lúc ấy là Chánh sở họ Thủ đã cất một ngôi nhà thờ khác khiêm tốn hơn trên Đất Thánh cũ (tức chỗ làm võ đài của trường Thánh Giuse). Đất Thánh được dời về địa điểm khác ở bên cạnh đường đi vô Họ đạo Chánh Thiện, thuộc phường Hiệp Thành. Đến năm 1995, vì nhu cầu phát triển đô thị, Đất Thánh được nhà nước quy hoạch xây dựng Trường chuyên Hùng Vương và năm 2001 xây trường Lê hồng Phong..

Nhà thờ thứ hai này được làm bằng gỗ mít nài, lợp ngói, nền lát gạch tàu, khá rộng rãi (28 m x 17 m). Tuy chính ngài cũng như các cha sở kế tiếp đều coi đây là nhà thờ tạm, chờ lúc thuận tiện sẽ cất nhà thờ khác xứng đáng hơn. Dầu vậy nó cũng thọ được trên 40 năm.
3. Nhà thờ hiện nay (1941):

Ngày 01 tháng 02 năm 1938, họ Thủ tiếp nhận Cha sở mới, Cha Félix Frison (Cố Hoàng). Ngài đến thay thế Cha sở Phanxicô Lê Vĩnh Khương được đổi lên làm Cha sở Dầu Tiếng. Cố Hoàng vừa xây xong Nhà thờ Mặc Bắc (Vĩnh Long) thì được đổi về Thủ. Nhà thờ Thủ cũng đến lúc phải xây lại. Vì thế ngài đã khởi công ngay, rập theo mẫu Nhà thờ Mặc Bắc vừa mới hoàn thành. Theo người ta kể lại, ngài đã đưa nhóm thợ Mặc Bắc lên và chính ngài trực tiếp đốc công xây cất. Ngài cũng dùng tiền của gia đình để lại mà mua sắm vật liệu và trang trải mọi chi phí.

Nhà thờ được kiến thiết hoàn toàn bằng gạch, vôi và cát. Vì thế, để có thể đứng vững, tường và cột được xây rất kiên cố, đồ sộ. Đây là những bức tường dày 50 cm (50 phân) xây trên nền đá. Hai hàng cột giữa to và cao. Trần được ghép thành những vòm, coi ngoạn mục, uy nghi và trang trọng. Cây tháp hiện nay là cây tháp đã đổ mất phần ngọn…

Nhà thờ mới được làm phép và khánh thành vào ngày thứ tư, 23 tháng 07 năm 1941. Hôm ấy cũng làm phép hai quả chuông mới. Như vậy tới nay nhà thờ này đã được hơn nửa thế kỷ (cụ thể là 64 năm).

Khi trở thành Nhà thờ Chánh Tòa vào cuối năm 1965, Cha Antôn Phùng Thành đã sửa sang lại cho hợp với phụng vụ mới và tiện việc cử hành các nghi lễ đại triều.
IV. SINH HOẠT HỌ ĐẠO XƯA VÀ NAY:
Theo lá thư của Cha Phêrô Nhi, về mặt tôn giáo cũng như xã hội của Họ Thủ vào năm 1875: “Khi tôi đến đó (1875) thì mọi sự là “bien organisé” (có tổ chức đàng hoàng): nhà thờ có rồi, như cha đã thấy (mà cha nào tạo lập tôi không rõ), nhà cha sở cũng có trên nông thấp trước nhà thờ, cha cũng biết có trường quốc ngữ (mà cha nào tạo lập tôi không nhớ)…
Khi tôi đến đó số bổn đạo gần 900, giàu có cả, nhất là huyện Thi, trùm Văn, huyện Vân, thầy Cửu, biện Quí, biện Mầu, biện Đình, biện Đó, biện Khao, biện Thản, bà Kim, bà Giàu (bà này còn sống hay đã chết xin cha hỏi bà này)”
Về việc tổ chức các ngày lễ, cha có ghi:
“Có một lần lễ Sinh Nhật dọn nhà thờ, ông Tham biện xem lễ. Lễ rồi ông ra nói cùng thầy rằng: “Này là cửa thiên đàng. (Tôi không rõ ông nói thật hay có ý nhạo) nhưng mà thật họ dọn cũng thắp đèn vô vàn trên tháp nhà thờ, ngó coi thiệt mỏng mắt… kẻ ngoại đến coi là vô số; tổng làng trực chủ, canh giờ nghiêm chỉnh, bằng an…” 
Theo tài liệu của MEP, vào thời cha sở Boutier Charles (1882-1886), Họ Thủ số giáo dân đã tăng là 1.200 người. 
Về mặt văn hóa, cha Phùng thanh Quang có ghi:
Năm 1902, Tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập, họ tuy kém về tài chánh, nhưng củng cố vươn lên. Trường học nới rộng và tách riêng trường nam và trường nữ; các bà phước trắng Dòng thánh Phaolô dạy học. Người ta vẫn còn nhắc nhở đến Soeur Cathérine dạy lớp các trẻ lớn bao đồng trọng thể và đánh đàn rất giỏi. Soeur Anteine lo cho học trò nữ dạy học rất giỏi”
Từ cuối năm 1965, Giáo phận Phú Cường được thành lập, tách rời khỏi Giáo phận Sài Gòn. Nhà thờ Thủ đã trở thành Nhà thờ Chánh Tòa của Giáo phận mới mang cùng tên Phú Cường. 
Cha Phùng Thành được Đức Cha Giuse Phạm Văn Thiên mời về làm quản lý Giáo phận kiêm Chánh sở Nhà thờ Chánh Tòa. Trong vòng không đầy 2 tháng , cha phải gấp rút xây Toà Giám mục tạm thời tại cánh phải của nhà xứ kịp đón Đức Giám mục về nhận Giáo phận , ngày 06/01/1966.
Từ đây, Phú Cường trở thành trung tâm của địa phận nơi có Tòa Giám mục. Đức Giám mục thường xuyên cử hành các nghi thức trong những ngày lễ quan trọng, với sự tập trung của các linh mục và giáo dân trong toàn địa phận. Nơi đây, các lớp người từ các miền trong Giáo phận đã tụ về để hội họp, để thụ huấn, để sinh hoạt.
Con số giáo dân đã bắt đầu tăng lên, vì chiến tranh đã đến lúc ác liệt tại các vùng sâu, nên giáo dân từ nhiều nơi đổ về lánh cư.
Trường tiểu học trước kia, từ niên khóa 1966 đến 1967 đã trở thành trường trung tiểu học. Năm 1970 một ngôi trường được xây kiên cố với 01 hầm, 01 trệt, 02 lầu dài trên 60 m. Trường đã trở thành trường trung học tư thục lớn nhất của toàn tỉnh với danh hiệu trường Thánh Giuse. 
Từ năm 1978, trường Thánh Giuse đã được giao cho Nhà nước quản lý…Nhà thờ còn giữ lại nữa tầng hầm và 03 phòng tầng trệt để dạy Giáo lý.
Song song với việc xây cất nhà trường, cha Phùng Thành cũng xây một võ đường để cho các học sinh luyện tập võ thuật nhu đạo, ngay trước sân trường.
Năm 1970, do chính biến tại đất Campuchia, Hội dòng Con Đức Mẹ phải rời khỏi Trụ sở Russeykeo về Việt Nam và được Đức Cha Giuse tiếp nhận vào Địa phận và đặt trụ sở mới tại khuôn viện Nhà thờ Phú Cường.
Năm 1972, Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ thiêm đã xây mới một trụ sở tại đường Trần Văn Hùm, để làm ký túc xá cho học sinh tiểu học.
Cho đến năm 1975, Giáo xứ Chánh Tòa có 3 cộng đoàn nữ tu: các soeurs Dòng Phaolô phục vụ tại Bệnh viện tỉnh, Con Đức Mẹ phục vụ nhà xứ và phòng thánh, các dì Mến Thánh Giá Thủ Thiêm phụ trách Giáo lý.
Sinh hoạt đạo đức

Chúa Nhật có 06 lễ: phục vụ cho tín hữu tại chỗ, khách vãng lai và công nhân các khu công nghiệp.

Ngày thường có 02 lễ: sáng 5g00 và chiều 5g30.

Những giờ Chầu Thánh Thể: sau Thánh lễ chiều mỗi ngày.

Về các lớp Giáo lý, các em thiếu nhi, từ 6-17 tuổi theo học các lớp Giáo lý vào mỗi ngày Chúa Nhật.

Các lớp Giáo lý dự tòng, lớp Giáo lý hôn nhân mở dạy suốt năm.

Các hội đoàn: Legio, Dòng Ba Phan sinh, Dòng Ba Cát Minh, Cùng Theo Chúa, Hội Hiền mẫụ, Hội Phụ Lão, Hội Chữ Thập đỏ Công Giáo, tuy mới xây dựng lại, nhưng hoạt động rất tích cực…
Vì Bình Dương hiện nay là nơi phát triển các khu công nghiệp, số lượng người di dân từ nơi khác đến rất lớn, nên nhu cầu mục vụ cho họ cũng là điều quan tâm hàng đầu của Họ đạo: hỗ trợ xe đưa rước họ tham dự Thánh lễ Chúa Nhật, tổ chức những buổi giao lưu học hỏi Giáo lý, các lớp Giáo lý Dự tòng, Giáo lý Hôn nhân được tổ chức thường xuyên, số người tham dự ngày một nhiều…
Công tác bác ái xã hội

Trước 1975, Caritas Giáo phận Phú Cường do Cha Antôn Phùng Thành làm giám đốc đặt văn phòng hoạt động tại Phú Cường. Hiện nay, Ban Bác Ái Xã Hội của Giáo Phận có văn phòng tại Nhà thờ Chánh Tòa, nhiều công tác từ thiện đang được thực hiện cách đều đặn: xây dựng nhà tình thương, hằng tháng giúp gạo cho hơn 200 người bệnh tật, người già cả neo đơn, nồi súp tình thương cho bệnh viện, bữa cơm tình thương và khám phát thuốc tại nhà xứ vào mỗi trưa Chúa Nhật cho 300 người nghèo tại chỗ và mang tới nhà, giúp học bổng cho học sinh nghèo. Sự ủng hộ và đóng góp của giáo dân trong và ngoài Giáo xứ rất tích cực trong các công tác bác ái.

Dự kiến xây dựng 

Hiện nay Giáo xứ đang thiếu phòng ốc để dạy Giáo lý cho thiếu nhi vào mỗi chiều ngày Chúa Nhật, cũng như chưa có phòng sinh hoạt các đoàn thể.

Ngôi Thánh đường đang xử dụng quá hẹp và cũng đã xuống cấp rất trầm trọng. Mái vòm bị mục và rơi rớt từng mảng to, khiến người ngồi trong nhà thờ không an tâm khi dự lễ. Nhưng để xây dựng một nhà thờ mới khả dĩ dung nạp được số đông giáo dân hơn, cần có mặt bằng rộng hơn. Điều nầy lại vướng đến trường học Nguyễn Đình Chiểu là trường Thánh Giuse (cũ), Nhà nước đang quản lý và làm trường Trung học bán công.

Ngày 22/09/2005, Chính quyền Tỉnh Bình Dương công bố quyết định giao trả đất và ngôi trường lại cho Giáo xứ. Quyết định của Chính quyền đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà Nước đối với nhu cầu của giáo dân Giáo xứ Chánh Tòa đang cần có nhà xứ, phòng sinh hoạt và phòng Giáo lý, và có điều kiện thuận lợi trong việc tái thiết ngôi Thánh đường đang bị xuống cấp trầm trọng.

Ước gì, hình ảnh của Nhà thờ Chánh Tòa, nhà thờ Mẹ của các nhà thờ trong Giáo phận, có vị trí giữa trung tâm Thị xã, nằm trên một gò cao, chứng kiến những dòng người ngược xuôi, như muốn gọi mời mọi người vươn lên cao, vượt khỏi những vướng bận của biết bao lo toan phiền muộn, để đến gặp Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. 


Comments

Post a Comment

Popular posts from this blog

Cẩm nang du lich Sapa

Lễ hội đèn Trung thu lớn nhất VN

Ba cây cầu dây văng bắc qua sông Mêkong