Về ngày Hội Lim (Bắc Ninh)

Với những người sinh ra và lớn lên tại Kinh Bắc hay bất kỳ ai đã một lần được đặt chân lên mảnh đất này, dường như đều cảm thấy rằng mỗi bước chân, mỗi hơi thở ở vùng quê ấy đều thấm đẫm những dấu ấn văn hóa và lịch sử của dân tộc. Từ những công trình kiến trúc mang dáng dấp cổ xưa đến những lễ hội truyền thống đặc sắc, thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa vùng miền. Đến hẹn lại lên, hội Lim vào mỗi dịp xuân về như níu chân du khách thập phương trong nỗi niềm hân hoan, háo hức.


Hội Lim, truyền thống văn hóa đất Kinh Bắc

Hội Lim, truyền thống văn hóa đất Kinh Bắc - Ảnh: Sưu tầm


Mùa xuân nay lại về tìm,
Bắc Ninh quan họ hội Lim quê nhà.
Tiên Du làn điệu dân ca,
Tháng giêng mở hội mười ba chính ngày.

Quê hương của Hội Lim đầy yên bình

Quê hương của Hội Lim đầy yên bình - Ảnh: Chrjs


Hội Lim là một lễ hội lớn ở tỉnh Bắc Ninh, được tổ chức vào ngày 13 tháng giêng hàng năm tại huyện Tiên Du. Đây được coi là một nét văn hóa lâu đời và đặc trưng cho vùng Kinh Bắc. Thời gian chuyển động cũng không làm mai một đi truyền thống ấy, đến ngày nay hội Lim đã vượt qua không gian văn hóa vùng miền, trở thành một trong những điểm dừng chân ngày xuân của du khách muôn nơi.

Bắc Ninh như một điểm dừng chân đầy thi vị mỗi dịp xuân về

Bắc Ninh như một điểm dừng chân đầy thi vị mỗi dịp xuân về - Ảnh: Sưu tầm


Nhắc về nguồn gốc của Hội Lim, bên cạnh những những câu chuyện lưu truyền trong dân gian về tiếng hát của chàng Trương Chi trong truyền thuyết Trương Chi – Mỵ Nương mà dấu vết xưa để lại là hình dáng dòng sông Tiêu Tương uốn lượn ở những làng quê vùng Lim. 
Còn có giả thuyết cho rằng Hội Lim liên quan đến câu chuyện của nàng cung nữ thời nhà Lý, nhận được ơn vua về chăm sóc mẹ già ở quê nhà, lấy chồng và không cần quay vào cung nữa. Nhưng tuổi thanh xuân đã gửi lại chốn thâm cung, quá lứa lỡ thì, khi mẹ qua đời, cô quyết định lên vùng đồi Lim, tu tạo và phục dựng ngôi chùa bị bỏ hoang đặt tên là Hồng An Tự (ơn đức của vua). Sau này cô cung nữ chết ở chùa, người dân trong vùng nhận thấy ngôi chùa rất linh thiêng. Lớp người kế cận và cũng được coi là sư tổ của chùa Lim ngày nay là Mụ Ả, người làng Duệ Nam, Nội Duệ.

Dòng Tiêu Tương với những truyền thuyết độc đáo về nguồn gốc Hội Lim

Dòng Tiêu Tương với những truyền thuyết độc đáo về nguồn gốc Hội Lim - Ảnh: Changtraikinhbac

Với lịch sử phát triển lâu đời, nhưng hội Lim không bị ảnh hưởng bởi sự đô hộ ngàn năm của phong kiến phương Bắc, mà vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Không gian lễ hội lấy đồi Lim làm trung tâm và diễn ra tại 3 địa phương bao quanh là: xã Nội Duệ, xã Liên Bão và thị trấn Lim. Hội Lim được tổ chức trong vòng khoảng 3 – 4 ngày trong đó ngày 13 được coi là phần chính của lễ hội.

Hội Lim tưng bừng ngày lễ tháng giêng

Hội Lim tưng bừng ngày lễ tháng giêng - Ảnh: hoanglongphoto


8 giờ sáng ngày 13/1 âm lịch, Hội Lim bắt đầu bằng lễ rước. Trong ngày này, lễ hội tổ chức các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng làng, các thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy, dâng hương cúng Phật, cúng bà Mụ Ả ở chùa Hồng Ân. Bên cạnh đó, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm và đặc sắc hơn cả, được mong chờ hơn cả là phần hát hội.

Lễ rước thành hoàng làng tại Hội Lim

Lễ rước thành hoàng làng tại Hội Lim - Ảnh: Sưu tầm


Về với hội Lim, nghe những điệu Quan họ trữ tình, cùng các liền anh liền chị hát câu giao duyên, đó là niềm mong mỏi của du khách thập phương. Những câu ca quan họ dường như đã trở thành một phần linh hồn của vùng quê Kinh Bắc, trên khắp mọi nẻo đường, trong từng ngôi nhà, từng nếp sống đều hiển hiện những giai điệu đầy sức cuốn hút, êm ả, nhẹ nhàng ẩn chứa phong vị cuộc sống đời thường đó.

Hát Quan họ len lỏi trong từng ngõ ngách của cuộc sống xứ Kinh Bắc

Hát Quan họ len lỏi trong từng ngõ ngách của cuộc sống xứ Kinh Bắc - Ảnh: Coaoc


Du khách thập phương náo nức về Hội Lim

Du khách thập phương náo nức về Hội Lim - Ảnh: Sưu tầm


Trong không gian tràn ngập những giai điệu dân ca ấy, người ta dường như cảm nhận được cái tình đời, tình người ở mảnh đất được coi là cội nguồn của văn hóa Bắc Bộ này. Ở khắp mọi nơi từ không gian đồi Lim rộng lớn, từ những sân đình, cửa chùa, từ dòng sông Tiêu Tương hiền dịu, đến khắp các con đường làng, ngõ xóm đều là hình ảnh những những liền anh khăn xếp áo the, liền chị áo mớ ba mớ bảy, nón quai thao, dập dìu nhau đi trẩy hội.

Nô nức chào đón hội Lim

Nô nức chào đón hội Lim - Ảnh: sưu tầm


Từng câu ca quan họ đầy thi vị được cất lên không chỉ thể hiện tình cảm nam nữ, tình yêu của con người với vạn vật, yêu quê hương đất nước mà còn là khát khao mãnh liệt về một cuộc sống tươi đẹp và niềm tự hào về những truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc.

Hội Lim với khao khát về cuộc sống và tình yêu

Hội Lim với khao khát về cuộc sống và tình yêu - Ảnh: Đăng Định



Về với hội Lim để cảm nhận một không gian lễ hội truyền thống của dân tộc, để thấy cái lòng của người dân nơi đây trong việc bảo tồn và phát triển những bản sắc lâu đời nhất. Có lẽ vì thế mà Hội Lim đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, là tài sản nghệ thuật đầy sức hút của đất nước Việt Nam. Đến một lần rồi háo hức chờ đón lần sau, dường như, những câu ca quan họ ở xứ Kinh Bắc huyền thoại đều ẩn chứa một sức mê hoặc lòng người.
Nguồn: Mytour.vn

Comments

Post a Comment

Popular posts from this blog

Cẩm nang du lich Sapa

Lễ hội đèn Trung thu lớn nhất VN

Ba cây cầu dây văng bắc qua sông Mêkong