Nơi không chỉ có sương mù và giá lạnh

Chính khát vọng tìm hiểu đã níu tôi về với Y Tý, đường đi là một hành trình không lấy gì làm thoải mái. Chiếc xe khách cũ kỹ trùng trình như con rùa nặng nhọc đưa chúng tôi về Mường Hum, rồi từ đó, chiếc xe ôm với một tay lái cừ khôi đã chở tôi rẽ màn sương và lạnh vào Y Tý - nơi người ta vẫn gọi là xứ sở của sương mù và giá lạnh của vùng cao huyện Bát Xát - Lào Cai.

Lúc còn ngồi trên xe khách, tôi đã nhẹ nhàng hát bằng sự hào hứng khó tả, nhưng với cái lạnh thốc vào mặt, cứa vào da thịt thế này, cộng thêm cung đường khúc khuỷu, thăm thẳm dốc và hun hút gió lại xóc nảy óc đã làm giảm nhuệ khí của một chàng trai. Tôi âm thầm nhẩm những câu thơ nhớ về Hà Nội. Ôi chao, tôi tình nguyện ra đi cơ mà? Tôi tình nguyện để đến với vùng cao, để hòa đắm trong cảnh sắc và con người.
.
Và trước đó, đã xác định đây là một chuyến đi hành xác, không lời nói nào làm nản lòng được ý chí tôi. Thế mà giờ... tôi càng nể những người dân nơi đây ở khả năng chịu đựng. Bao nhiêu năm qua, đồng bào các dân tộc vẫn ăn đời ở kiếp, sống và bảo vệ rừng, bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc, rồi sinh con đẻ cái, duy trì nòi giống và làm nên những nét văn hóa đặc sắc của mình.

Rượu hâm nóng mà các chiến sĩ Đồn biên phòng 273 nhiệt tình thết đãi không đủ làm tôi hết lạnh ở đêm vùng biên. Gió ngoài kia vẫn rít lên từng hồi. Màn sương vón cục đọng trên tán lá và rớt xuống lộp bộp như những cục mưa lớn. Đêm ở Đồn biên phòng, lòng xa xót một tiếng khóc trẻ con từ đâu vọng lại. Rồi tịnh không, giữa đêm đen bịt bùng bởi rừng sương, chỉ thấy tiếng mưa cựa quậy.

Đồn phó quân sự Y Tý Trần Văn Khảo nói rằng, người dân vùng biên tái này sống chịu đựng nhưng nề nếp. Bên trong những ngôi nhà trình tường độc đáo mờ mờ trong sương và rừng là biết bao kho chuyện lạ. Và cùng bởi ý thức của người dân cao, nên trong tâm khảm họ luôn hiện diện một lời thề giữ rừng. Họ coi những cánh rừng nguyên sinh của mình là báu vật, đời nọ tiếp đời kia truyền nhau bảo vệ. Người lớn dạy cho người bé biết yêu rừng, người già nói cho người trẻ biết yêu suối, cán bộ chỉ cho dân cách thân thiện với môi trường...

Tháng Ba đến, người dân có Tết cúng rừng. Rừng cúng này không ai được vào làm điều ô uế, gian tà. Không ai được vào lấy một cái gì, kể cả cây đổ, củi khô. Ai phạm vào điều cấm đó thì bị phạt nặng, có khi bị đuổi ra khỏi bản. Luật tục của người Hà Nhì bao đời nay là thế và rừng cứ xanh thêm, rộng thêm. Cho nên, những ngọn lửa bình yên ngày nào cũng đỏ trong những ngôi nhà trình tường.

Đồng bào dân tộc Dao, Mông và Hà Nhì ở đây không mong gì hơn là một mái nhà lúc nào cũng đỏ lửa, những bồ lương thực đầy và cánh rừng xanh mát. Thế nhưng, không phải bao giờ thiên nhiên cũng ưu đãi họ. Thiên nhiên khắc nghiệt cộng với những thiên tai bất thường đã làm cho họ cơ cực hơn, lạc hậu và đói kém.

Phiên chợ trong sương.

Sớm sau, những chiến sĩ biên phòng đưa tôi đi chợ sớm. Phiên chợ diễn ra trong sương và gió. Những người già, những em bé gò lưng cõng rau xuống chợ. Các gian hàng đơn sơ. Những trao đổi cũng đơn sơ. Tất cả những hình ảnh nhỏ bé và bình dị ấy làm nên phiên chợ vùng cao hiu hắt, đến cả tiếng cười cũng hết sức khiêm tốn. Ở giữa sương mù và giá lạnh ấy, dù là đông người và bên cạnh tôi còn có những chiến sĩ biên phòng, nhưng lòng tôi đã có những so sánh. Biết bao giờ cuộc sống của người dân nơi đây mới bằng một phần dưới xuôi?

Và, không phải bây giờ mới có người ước, mà ước mong đó lúc nào cũng day dứt ở trái tim các chiến sĩ biên phòng, những người dân và các giáo viên cắm bản. Bao năm họ cùng với đồng bào giữ vững vùng biên cương, giữ cho màu rừng luôn xanh tươi và các nương lúa chín vàng mỗi độ thu về. Để mai kia đông qua xuân tới, ở chính những kẽ nứt của nhành cây, trên hốc đá núi cao hơn 2.200 mét, lại bật lên những bông hoa xuân tươi thắm tràn trề nhựa sống.

Mùa xuân của đất trời đến với Y Tý muộn, nhưng với những người dân, mùa nào cũng là mùa xuân. Bởi họ sống thánh thiện và biết thế nào là đủ với mình. Bởi họ biết thế nào là giá trị của cuộc sống. Cũng như những người làm nghề gieo chữ trên rẻo cao này. Họ biết thế nào là tốt cho cuộc đời và biết những người dân đang cần gì ở họ. Vì thế họ đã ra sức (dẫu nhọc lòng nhọc xác) chăm cho những cây đời, chăm cho những mầm non bé nhỏ.

Đôi vợ chồng anh Nguyễn Tiến Dũng và chị Nguyễn Thị Phượng đã gần 10 năm cắm bản, gieo cái chữ, cũng là gieo những nếp văn hóa để làm đặc sắc thêm nét văn hóa truyền thống của một vùng đất. Y Tý còn gian nan và công việc gieo chữ, trồng người ở đây có lẽ là gian nan nhất.

Đường xá thì lầy lội và cheo leo, cơ sở vật chất nghèo nàn. Những điểm trường ở Lao Chải, Hồng Ngài, Sín Chải, Phan Cán Sử... còn chưa có điện, lớp học tạm bợ và nhiều phòng phải học ghép. Nghĩa là cả hai hoặc ba lớp với trình độ khác nhau phải ngồi chung phòng và có những giáo viên dạy riêng. Nhưng cũng có phòng hai lớp, lại chỉ có một người đứng dạy, lớp này là văn lớp kia là toán.

Mùa đông băng giá, nhiệt độ xuống đến 4 độ mà thầy trò vẫn nhiệt tình dạy và học. Sương giăng đến nỗi hai người đứng cách nhau hai sải tay mà chẳng nhìn rõ mặt. Sương nuốt chửng cả những ngôi nhà và tràn vào lớp học. Khiến cho lớp học cũng nhầy nhụa như ở đường đi. Sương còn làm ướt bảng thầy, làm mủn sách trò, làm cho biết bao sinh hoạt khác bị trì trệ và khó khăn. Lại nữa, đôi khi thầy phải xắn quần đến tận nhà "săn" những học trò trốn học đem về lớp, cho đầu các em sáng hơn mỗi ngày bởi những con chữ no tròn nhiệt huyết....

Tôi từng thắc mắc rằng, sẽ có những công việc khác, đỡ nhọc nhằn hơn ở vùng xuôi để những giáo viên ở đây lựa chọn. Thầy giáo Dũng đã nói: "Ở đời, đâu thiếu những sự hy sinh. Nếu ai cũng nghĩ đi tìm công việc khác, để khỏi vất vả nơi vùng cao, thì cuộc đời này sẽ thế nào".

Vâng, một câu trả lời dứt khoát của người có tâm. Dù khó khăn và nhọc xác, nhưng họ đã chọn sống và làm việc, cống hiến và chịu đựng ở đây như một sự lựa chọn có duyên từ tiền kiếp. Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương. Họ nghĩ thế và chúng ta nên có nhiều người nghĩ và làm thế. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành cho ai.

Thành quả mà nhiều năm qua, các thế hệ giáo viên các anh đã làm được là 5 sinh viên đại học, gồm hai chị em Ly Thó Chụ và Ly Thó Xa (Sư phạm Tây Bắc), Ly Giờ Gụ (Kinh tế quốc dân), Tráng Thó Phia (Mỹ thuật Hưng Yên), Tráng Thị Hoa (Sư phạm I Hà Nội). Những người này sẽ góp phần làm nên sự đổi khác cho Y Tý tương lai.

Hơn một tuần ngủ đêm và chiêm ngưỡng sương giăng, cùng oằn mình trong tê buốt, tôi chưa hiểu được cặn kẽ về Y Tý cũng như rất nhiều bí mật về những khu rừng già chẳng bao giờ dễ khám phá.

Nhưng tôi biết, ngày mai, khi tôi về xuôi thì những người dân tôi vừa gặp sẽ lại làm công việc của họ. Các chiến sĩ biên phòng sẽ lại đi tuần, vượt rừng vượt suối canh phòng biên cương. Những thầy cô giáo sẽ lại lên lớp. Con người luôn có những cách riêng để mở kho báu và chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Lại sắp Tết Nguyên đán rồi, Y Tý vẫn tê cóng nhưng lòng người ấm áp quá. Tôi phải về xuôi thôi. Hơn một tuần ít ỏi ở đây đủ cho tôi hiểu thế nào là sự chịu đựng, cống hiến và thế nào là hạnh phúc. Chiếc xe máy của một người dân, nhận làm xe ôm đưa tôi đi qua những cung đường gập ghềnh để trở về Mường Hum và sẽ theo xe khách về xuôi.

Tôi bỗng thấy ánh mắt trong veo của một cô gái Hà Nhì thập thò sau cánh cửa nhìn mình. Hình như cô đang váy xáo xúng xính chuẩn bị xuống chợ sắm Tết. Lòng ước ao xuân ấm sẽ về nơi này và hẹn ngày trở lại

- Theo CAND, ảnh internet

Comments

Post a Comment

Popular posts from this blog

Cẩm nang du lich Sapa

Lễ hội đèn Trung thu lớn nhất VN

Ba cây cầu dây văng bắc qua sông Mêkong