Nhà thờ Núi giữa thành phố biển

Tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ cạnh ngã sáu trung tâm thành phố Nha Trang, nhà thờ Chánh Tòa - thường gọi là nhà thờ Núi - là một kiến trúc hoành tráng, sừng sững trên nền trời xanh ngắt, quanh năm lộng gió đại dương, luôn thu hút sự chú ý của những người từng đặt chân đến miền đất thuỳ dương cát trắng dịu hiền này.
Theo Quách Tấn viết trong Xứ Trầm Hương thì ngọn đồi đó, vốn xưa là Hòn Một - tên chữ là Hoa Sơn - được ví như con Rùa Vàng (Kim Quy) trong thế phong thủy Tứ thủy triều quy, tứ thú tụ của cuộc đất xứ Nha Trang.

Khi mở rộng đô thị về phía nam, người Pháp đã xẻ ngọn núi đá này làm đôi, mở đường Phước Hải (nay là đường Nguyễn Trãi). Nửa phía đông, đến nay dấu tích núi Một vẫn còn dù người ta đã đục phá, lấy đất xây nhà ở. Nửa phía tây, được coi là phần thân của Rùa Vàng được san phẳng để xây nhà thờ Chánh Tòa Nha Trang ngày nay.

Chủ trì dự án xây dựng ngôi thánh đường này là vị linh mục Hội Thừa Sai Pháp (MEP) Louis Vallet (1846-1945), trước đó, vị linh mục này đã hoàn thành việc xây dựng nhà thờ Chánh Toà thành phố Đà Nẵng. Ngày 03-9-1928, công trình được khởi công, khoảng 500 trái mìn đã được dùng để san bằng đỉnh núi.

Trong một chuyến kinh lý vào tháng 2-1933, vua Bảo Đại đã đến thăm khi công trình đang được hoàn thiện. Lúc ấy, bộ chuông đồng đúc ở Pháp chở sang được treo tạm trên tháp gỗ. Đến tháng 4-1935, phần tháp chuông như hiện nay - cao 32m tính từ mặt sân nhà thờ - mới được khởi công và hoàn thành sau đó 4 tháng.

Trên tháp chuông có gắn chiếc đồng hồ lớn, có bốn mặt quay ra bốn hướng. Khoảng năm 1969, chiếc đồng hồ bị hỏng, mãi tới năm 1978, mới được sửa chữa và chạy lại cho đến nay.
Mặt trước nhà thờ quay về hướng Bắc, có hai lối đi lên.

Phía trước có 53 bậc cấp đi bộ từ đường Thái Nguyên lên, qua cổng là đến Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, xây dựng tháng 4-1940.

Lối thứ hai đi từ quảng trường cạnh ngã sáu vòng quanh phía sau lên sân nhà thờ có độ cao chừng 8 mét so với mặt đường phố chung quanh. Con đường này được lát đá chẻ năm 1941.

Đứng từ xa nhìn, rất nhiều người vẫn lầm tưởng công trình kiến trúc đồ sộ này được xây dựng hoàn toàn bằng đá chẻ, một loại vật liệu xây dựng kiên cố, có rất nhiều ở Nha Trang và khắp tỉnh Khánh Hoà. Vì thế ngoài tên gọi chính thức là nhà thờ Chánh Toà, còn có tên nhà thờ Núi (vì ở trên núi) và... nhà thờ Đá.

Mô hình nhà thờ này khiến nhiều người liên tưởng đến những thành quách, lâu đài ở La Mã cổ đại với vách tường xây đá trần trụi; đặc biệt là những vòm cuốn dọc hành lang hay cửa sổ lắp kính màu hoa văn trang trí rất xa lạ với kiểu thức kiến trúc phương Đông. Thực tế thì đá chẻ chỉ được dùng lát đường và sân.

Toàn bộ hệ thống trụ chịu lực được đúc bê tông cốt thép, còn những mảng tường được xây gạch thẻ, tô xi măng rồi kẻ chỉ.

Một số người quan sát gần, biết tường nhà thờ không phải đá chẻ nhưng lại tưởng là xây bằng táp-lô đúc xi măng! Đặc biệt, chỉ phần mái bằng của hành lang chạy dọc hai bên được đổ bê tông cốt thép, còn toàn bộ mái vòm bê tông của nhà nguyện đều được dùng cốt tre cật và lưới thép mắt cáo.

Năm 1998, khi linh mục Phê-rô Nguyễn Quang Sách xây dựng nối thêm ba phòng sinh hoạt ở phía sau đã giữ nguyên các chi tiết kiến trúc của nhà thờ; chỉ khác là tường được xây bằng táp-lô đúc xi măng và mái bê tông cốt thép.

Tính từ ngày khánh thành đến nay, nhà thờ Chánh Toà Nha Trang đã hơn 80 năm tuổi. Công trình xây dựng này vẫn vững chãi và xứng đáng là một kiến trúc hoành tráng, một thắng cảnh độc đáo của thành phố biển Nha Trang.

Nằm ngay giữa trung tâm thành phố, với kiến trúc Tây phương độc đáo uy nghiêm, cảnh quan đẹp mắt, ngôi thánh đường này thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà quay phim và nhiếp ảnh.

"Kiến trúc ngôi nhà thờ Nha Trang không giống phần đông nhà thờ khác trong toàn quốc. Kiểu thức vừa cổ kính vừa tân kỳ. Tất cả vách, mái, nền, cột đều toàn xi măng. Và đứng chắc trên một đầu non, với "bộ áo xám tro", hình tướng trông nửa như khiêm nhường, nửa như ngạo nghễ.

Lại gần nhìn kỹ lại có vẻ nghiêm khắc cô cao. Nhờ những khóm trúc đào hoa nở quanh năm ở trước sân, nhất là khóm đa xanh mát đứng che Tiểu Vương Cung của đức Bà Maria ở đầu bậc cấp bước lên, làm cho "nét mặt" Nhà Thờ bớt phần khô khan lạnh lạt" (Trích "Xứ Trầm Hương" - Quách Tấn)

- Theo TBKTSG, Phunudulich, internet

Comments

Post a Comment

Popular posts from this blog

Cẩm nang du lich Sapa

Lễ hội đèn Trung thu lớn nhất VN

Ba cây cầu dây văng bắc qua sông Mêkong