Chuyến 'phượt' đặc biệt: Leo núi trong nhà!

Một môn thể thao cực mới ở Hà Nội nhá. Bạn có muốn thử không? Tớ là một dân phượt chính hiệu. Tớ thích cảm giác được tự mình khám phá những giới hạn của bản thân, được xách ba lô lên vai và đi đến những vùng đất mới. Thế nhưng đợt này vì bận rộn học hành thi cử quá, tớ chẳng thể nào sắp xếp thời gian để đi đâu được cả. Biết tớ đang bị cuồng chân, stress thằng bạn thân quyết định đầu tư cho tớ một chuyến đi phượt đặc biệt. “Tao sẽ cho mày đi leo núi ngay ở Hà Nội” - nó nháy mắt cười tinh quái rồi đèo tớ một mạch sang tận đường An Dương (Hà Nội) và dừng lại tại số nhà 40, ngõ 76.

Trong khi tớ còn đang lơ ngơ nhìn lên tấm biển VietClimb to đùng treo trước cửa nhà, nó lại lôi xình xịch tớ vào bên trong. “Đây, thưa mày, bây giờ thì mày có thể thoải mái tự do mà leo trèo nhá, leo núi ngay trong nhà, ngạc nhiên chưa?”.
.
Nhìn từ bên ngoài vào, Vietclimb được chia thành 2 phòng. Phòng nhỏ bên ngoài dành cho những em nhỏ tập luyện với độ cao thấp - đây cũng là không gian cho các bạn trẻ giao lưu trò chuyện với nhau, phòng bên trong dành cho người lớn

Hơ hơ, hóa ra là còn có kiểu này nữa cơ à. Tớ đang mắt chữ A, mồm chũ O nhìn những mảng màu được gắn đầy trên các bức tường gỗ thì một anh Tây đẹp trai “mê tơi” tiến về phía tớ, cất giọng bằng thứ tiếng Việt lơ lớ không thể dễ thương hơn: “Chào em, em đến để leo núi đúng không? Em thay giầy rồi anh sẽ hướng dẫn cho em nhé!”. Anh ấy chính là Jean - người thành lập CLB leo núi trong nhà Vietclimb đầu tiên ở Hà Nội. Và thế là tớ hào hứng chộp ngay một đôi giầy.

Giày leo núi có đế bằng phẳng không giống như những đôi giày thể thao khác
Giầy leo núi không giống những đôi giầy thông thường. Đế của nó bằng phẳng, không có đinh tẹo nào cả nhưng lại có độ bám rất tốt. Anh Jean cho hay, đế giầy làm bằng lốp xe đua công thức một đấy. Khủng chưa???

Mũi giầy nhô cao ở phần đầu, phía ngón chân cái
Mũi giày nhô lên cao một chút ở phần đầu, vì khi leo núi, ngón cái của bạn chính là điểm tựa quan trọng nhất, chỗ nhô lên đó sẽ rất thoải mái cho ngón chân bạn hoạt động. Thường, những đôi giày leo núi sẽ ôm rất khít chân, để giữ cho giày không tuột khi đang thực hiện các động tác khó.

Đi giày xong tớ mới có dịp ngó nghiêng lung tung. Hóa ra là ngôi nhà này cũng rộng ra phết, khoảng chừng 300m2 được chia ra làm hai phòng tập. Phòng bên ngoài dành cho trẻ em với địa hình leo thấp, độ khó ít. Phòng trong thì phải rộng gấp 7 - 8 lần phòng nhỏ, dành cho người lớn với độ cao và độ khó phức tạp hơn nhiều.

Khu phòng tập bên trong với những địa hình phức tạp hơn rất nhiều
Những vách leo trong nhà là những tấm gỗ chắc chắn với các kiểu nghiêng, thẳng, dốc khác nhau. Trên đó, có rất nhiều những mấu đá rực rỡ sắc màu, hình thù đa dạng.

Anh Jean đứng bên cạnh tớ vừa cười vừa giải thích: “Em có nhìn thấy các mấu với nhiều màu khác nhau không? Không phải tự nhiên người ta lại thiết kế như vậy cho đẹp mắt thôi đâu. Này nhé! Mức màu vàng là dành cho những người mới bắt đầu chơi, sau đó tăng dần lên đến màu cam, xanh lá cây, xanh da trời… Khi leo, em sẽ chỉ được đặt chân và tay lên một màu duy nhất thôi, không được *ngó tới các màu khác”.
Anh í đang hướng dẫn tận tình cho bạn mới bắt đầu tập luyện
Tớ hăm hở bắt đầu leo trèo, tớ chọn mức màu vàng dễ nhất cho người mới bắt đầu. Nhìn có vẻ đơn giản nhưng khi leo thì khó lắm í, chân tay tớ cứ luống cuống hết cả lên. Anh Jean đứng dưới cứ phải nhắc tớ là chân phải để vào đâu, tay bám vào chỗ nào, rồi chân lên trước, tay bám sau… Sau một hồi tim đập chân run, cuối cùng tớ cũng chạm được vào cái mốc trên cùng. Lúc ấy, cảm giác cool không thể tả nổi… Yeah.

Thế nhưng đấy mới là mức dễ nhất ở bức tường thấp nhất (khoảng 3m), còn vô số địa hình hiểm trở khó hơn nhiều nữa cơ.
Anh Jean trổ tài leo núi thượng hạng. Anh í đang treo ngược người bám vào trần nhà đấy. Không phải là ảnh của tớ bị ngược đâu
À, bạn đừng lo là lỡ có tuột tay hay tuột chân thì sẽ bị chấn thương vì ở bên dưới là tấm nệm dày khoảng 50cm, đảm bảo sẽ không bị sao khi rớt xuống.

Môn thể thao này đòi hỏi người tập luyện phải kiên trì nhẫn nại, biết phối hợp nhuần nhuyễn khéo léo cử động giữa tay, chân và cả cái đầu nữa đấy. Bạn sẽ phải phán đoán bước tiếp theo mình sẽ bám vào đâu cho vững, đặt vào chỗ nào an toàn để còn tiến thêm những nấc khó khăn nữa.
Vừa mới tập được khoảng 30 phút mà tớ và thằng bạn mồ hôi nhễ nhại, trong khi xung quanh các bạn đến trước vẫn hăm hở tập luyện.

Tớ làm quen được với Dũng (1989, ĐH Ngoại thương - Hà Nội) bạn í cho hay mới chỉ tập leo núi trong nhà được hơn 1 tuần thôi, nhưng đã bồ kết lắm rồi. “Mình tình cờ được một người bạn nước ngoài giới thiệu đến đây chơi. Lần đầu thử leo cũng thấy khó lắm nhưng càng chơi càng thú vị. Khi vượt qua được một ngưỡng nào đó, thấy sung sướng hả hê lắm. Mình thấy môn thể thao này cực thú vị và rất hợp với các bạn trẻ. Hơn nữa, bạn có thể làm quen với rất nhiều bạn, đặc biệt là để thực hành khả năng giao tiếp với người nước ngoài”.

Đến với VietClimb bạn có thể làm quen với rất nhiều người bạn mới, đặc biệt là những người nước ngoài
Những gì Dũng nói cũng chính là một trong những tiêu chí mà anh Jean đặt ra khi thành lập CLB này. À, tớ quên chưa nói, anh Jean cũng mang trong mình dòng máu Việt Nam đấy (bố Pháp, mẹ Việt). Anh ấy leo núi từ năm 15 tuổi, và đã chinh phục đỉnh Mont Blanc cao hơn 4.800m. Niềm đam mê với môn thể thao mạo hiểm này cộng tình yêu đặc biệt với dải dất hình chữ S đã thôi thúc anh ấy mang leo núi trong nhà đến với các bạn trẻ Việt Nam.

Anh Jean tâm sự: “Leo núi trong nhà ở các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan không phải là mới, nhưng ở Việt Nam, hầu hết các bạn trẻ đều chưa biết đến nó. Chính vì vậy, mình muốn chia sẻ niềm đam mê của mình và giới thiệu đến giới trẻ Việt môn thể thao này. Vietclimb còn là nơi các bạn trẻ có thể làm quen, trao đổi, học hỏi lẫn nhau về ngôn ngữ cũng như văn hóa. Vì ở đây, có rất nhiều người nước ngoài, một cơ hội tốt đề trò chuyện, giao tiếp và có thêm những người bạn mới”.

Để đầu tư xây dựng một CLB hoành tráng thế này, chắc chắn anh Jean và một và người bạn của anh đã phải bỏ ra một số tiền không nhỏ. Thế nhưng khi được hỏi, anh í chỉ dí dỏm trả lời: “đắt bình thường”. ^^.

VietClimb chính thức khai trương từ tháng 4/2011. Trước đó, nhiều người cũng biết đến CLB này nhưng chủ yếu là người nước ngoài. Hồi đầu sang Việt Nam thực tập vào năm 2005, anh Jean đã tự thiết kế địa hình leo núi trong nhà ngay trên khu vực sân thượng ngôi nhà anh í thuê. Thế mới biết, niềm đam mê của anh chàng điển trai người Pháp này lớn đến mức nào. Anh ấy đã từng làm tại Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam, nhưng hiện giờ chỉ tập trung vào việc phát triển CLB Vietclimb mà thôi.

Còn chần chừ gì nữa, hãy thử cảm giác chinh phục những "ngọn núi cao" ngay tại Hà Nội, bạn sẽ lại đê mê như tớ cho mà xem.
Địa chỉ: Số nhà 40, ngõ 76, An Dương, Hà Nội
Giờ mở cửa: Từ 2h chiều đến 10 giờ tối tất cả các ngày trong tuần
Trước 5h chiều: 140k. Sau 5h: 180k (20k tiền thuê giầy)

- Theo forum Vietyo

Comments

Post a Comment

Popular posts from this blog

Cẩm nang du lich Sapa

Lễ hội đèn Trung thu lớn nhất VN

Ba cây cầu dây văng bắc qua sông Mêkong