Miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc

Miếu Bà Chúa Xứ thuộc xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Ðốc, tỉnh An Giang, được lập vào năm 1820, kiến trúc theo kiểu chữ "quốc". Trong miếu thờ tượng Bà Chúa được tạc bằng đá xanh.
Theo truyền thuyết, miếu Bà do dân xây dựng để cúng bái vì tin vào sự linh thiêng của Bà. Nhưng cũng có truyền thuyết cho rằng, Thoại Ngọc Hầu đã đứng ra xây dựng theo lời trăn trối của vợ (bà Châu Vĩnh Tế). Lúc đầu miếu cất bằng tre, lá, đến năm 1962, miếu lợp ngói âm dương. Ðến năm 1972, ngôi miếu được xây lại, năm 1976 công trình mới hoàn thành.
Miếu Bà Chúa Xứ kiến trúc theo kiểu chữ "quốc", có 4 mái hình vuông, nóc lợp bằng ngói ống màu xanh. Nhà để tượng cũng 4 mái hình vuông. Trong miếu thờ tượng Bà Chúa được tạc bằng đá xanh có giá trị nghệ thuật cao. Tượng tạc vào thế kỷ VI, theo mô típ tượng thần Vinus thường thấy ở các nước Lào, Cam-pu-chia, Ấn Độ. Hội Bà Chúa Xứ được tổ chức hằng năm rất lớn vào các ngày cuối tháng 4 âm lịch. Hàng vạn người đổ về đây dự lễ tắm tượng Bà, lễ dâng hương cầu phúc lành.
Miếu Bà Chúa Xứ
Bí ẩn tượng Bà Chúa Xứ: Tượng đàn ông hay đàn bà?
Theo truyền thuyết, tượng Bà Chúa Xứ là sản phẩm của nền văn hóa Óc Eo, thuộc vương quốc Phù Nam (thế kỷ I đến thế kỷ VII sau Công nguyên).
Tuy nhiên, tìm hiểu từ các tài liệu và một số nhà nghiên cứu, thì truyền thuyết pho tượng có từ thời Óc Eo có lẽ là đoán mò, là sự kết gắn mang tính cưỡng ép, bởi văn hóa Óc Eo được phát hiện ở vùng Thoại Sơn (An Giang), cách núi Sam không xa lắm.
Tượng Bà Chúa Xứ
Các nhà khoa học sau khi nghiên cứu pho tượng này, đã khẳng định chất liệu tượng từ đá sa thạch, không có ở vùng Thất Sơn, cũng như khắp vùng Nam Bộ. Như vậy, pho tượng được đưa từ xa tới, hoặc đá được chuyển từ nơi khác đến để chế tác.
Còn pho tượng có từ khi nào, quả thực vẫn chỉ là giả thiết. Có những giả thiết cho rằng, pho tượng có từ cách nay 5.000 năm, do một thái tử mang từ Ấn Độ đến.
Điều đáng chú ý là các nhà khoa học đã phát hiện ra một bệ đá sa thạch trên lưng chừng núi Sam vào năm 1980. Qua đo đạc, các nhà khoa học đã xác định bệ đá đó chính là chỗ tượng Bà Chúa Xứ “tọa”.
Nhưng người xưa, cách nay cả ngàn năm, với phương tiện thô sơ, đã vận chuyển pho tượng nặng khoảng 3 tấn, cùng với bệ đá nặng cả tấn, lên lưng chừng núi bằng cách nào? Đó là câu hỏi không dễ trả lời.
Lễ hội Vía Bà tổ chức vào 22 - 24/04 âm lịch
Ở vùng Châu Đốc vẫn còn lưu giữ truyền thuyết về pho tượng này. Theo đó, không ai rõ từ bao giờ, trên lưng chừng núi Sam có một pho tượng ngự.
Khi đó, vùng đất này rừng rú hoang rậm, thú dữ, bệnh tật nhiều. Cuộc sống người dân rất mong manh. Họ thường xuyên đến chỗ pho tượng cúng bái, cầu an và nhận được sự che chở.
Đầu thế kỷ 19, ông Thoại Ngọc Hầu (1761 – 1829) tên thật là Nguyễn Văn Thoại, người Quảng Nam, thừa lệnh vua Gia Long, đã vào trấn vùng Tây Nam Bộ. Ông đã tham mưu cho triều đình và được triều đình giao cho việc đào kênh Vĩnh Tế.
Con kênh này dài 100km, rộng 50m, nối Châu Đốc với Hà Tiên. Đây là công trình vĩ đại, nhằm thoát lũ, xả phèn cho đồng bằng sông Cửu Long và rút ngắn con đường giao thương đường thủy phía Tây vùng đồng bằng.
Kênh Vĩnh Tế
Mặc dù 8 vạn dân công được huy động, song khi bắt đầu vào cuộc, liên tiếp gặp trục trặc. Nhiều người chết vì tai nạn, bệnh tật, thú dữ tấn công.
Trước tình thế có thế khó khăn đó, bà Châu Thị Tế, vợ ông Thoại đã nghe lời dân làng, lên núi Sam khấn vái pho tượng thiêng. Quả nhiên, sau khi hành lễ, việc xây dựng công trình diễn ra suôn sẻ. Chỉ trong vòng 5 năm, công trình vĩ đại nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành.
Thời đó, có một nhóm cướp ngoại bang xâm nhập sang Châu Đốc. Thấy pho tượng trên núi Sam đẹp, bọn chúng đã tiến hành ăn cắp.
Bệ đá bà ngự trên Núi Sam
Mấy chục tên xúm vào nhấc pho tượng khỏi bệ đá, khiêng xuống núi. Tuy nhiên, chỉ khiêng được một đoạn, thì pho tượng bỗng nặng trịch, không thể khiêng nổi nữa. Thấy chuyện lạ, chúng gọi thêm người, nhưng pho tượng vẫn không hề suy suyển.
Không lấy được tượng, bọn chúng đành bỏ đi. Tuy nhiên, trước lúc đi, bọn cướp dùng gậy đập phá pho tượng, làm gãy một cách tay. Hiện dấu vết phục chế vẫn còn.
Nghe tin ấy, bà Châu Thị Tế cùng các bô lão kéo lên núi Sam xem xét sự tình. Sau khi bàn bạc, dân làng đã quyết định thỉnh bà xuống núi.

Hàng chục thanh niên khỏe mạnh được huy động để thỉnh bà. Tuy nhiên, dù bao nhiêu người, với đủ các loại phương tiện, pho tượng vẫn không hề suy suyển.
Hoạt cảnh cô gái lên đồng
Đang lúc không biết làm thế nào, bỗng một cô gái xưng là Chúa Xứ thánh mẫu, nghĩa là Bà đã “nhập” vào cô gái này. Bà Chúa Xứ yêu cầu dân làng cử 9 cô gái đồng trinh mang kiệu đến rước bà xuống núi.
Quả nhiên, khi 9 cô gái đồng trinh đến khênh, thì tượng nhẹ tênh. Đoàn rước tượng chạy một mạch xuống chân núi, đến chỗ miếu Chúa Xứ hiện nay thì kiệu bỗng chìm xuống, rồi không nhấc lên được nữa. Nghĩ rằng Bà muốn ngự ở đây, nên bà Châu Thị Tế đã cho dựng một ngôi miếu nhỏ, lợp lá và thờ đến mãi về sau.
Câu chuyện này, bất cứ người dân Châu Đốc nào cũng thuộc nằm lòng, bởi hàng năm, vào lễ hội Vía Bà Chúa Xứ, dân làng dựng lại cảnh rước bà từ núi Sam xuống miếu. Lễ hội Vía Bà cũng là lễ hội kéo dài nhất nước ta, suốt từ tháng 1 đến hết tháng 4 âm lịch hàng năm.
 Vào năm 1941, nhà khảo cổ Pháp, tên là Louis Malleret đã khảo sát tỉ mỉ miếu Bà Chúa Xứ và kết luận: Tượng Bà Chúa Xứ thuộc loại tượng thần Vishnu, tạc dáng ngồi nghĩ ngợi, quý phái, bằng chất liệu đá son, có giá trị nghệ thuật cao, ra đời vào khoảng cuối thế kỷ thứ VI.
Trong công trình khảo cứu của nhà văn Sơn Nam, có tên “Đồng bằng sông Cửu Long - nét sinh hoạt xưa” (NXB Trẻ), ông đưa ra một nhận định giật mình. Theo ông, tượng Bà Chúa Xứ thực ra là pho tượng Phật đàn ông của người Khmer. Pho tượng này bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi Sam.
Tượng thần Vishnu

Tượng Bà Chúa Xứ
 Người Việt từ Bắc di cư vào, đã đưa tượng vào miếu, dùng sơn điểm tô, mặc áo lụa, đeo dây chuyền, và biến pho tượng đàn ông thành đàn bà.
 Ông Trần Văn Dũng, tác giả cuốn “Lịch sử khai phá vùng đất Châu Đốc 1757 -1857”, cũng khẳng định: Tượng Bà Chúa Xứ là tượng nam, ngồi ở tư thế vương giả. Phần đầu của tượng không phải nguyên gốc, mà là được chế tác sau bằng loại đá không giống thân tượng.
 Câu chuyện về pho tượng Bà Chúa Xứ nổi tiếng cả miền Tây Nam Bộ, thu hút cả triệu người đến chiêm bái mỗi năm quả thực còn nhiều bí ẩn. Dù pho tượng mang hình thức là đàn ông hay đàn bà, thì trong tâm thức người dân miền sông nước này, đó là Bà Chúa Xứ và Bà là điểm tựa tâm linh cho rất nhiều người.

Comments

Popular posts from this blog

Cẩm nang du lich Sapa

Lễ hội đèn Trung thu lớn nhất VN

Ba cây cầu dây văng bắc qua sông Mêkong