Du lịch Đà Lạt - Hồ

Về địa điểm Du lịch Đà Lạt thì chắc rằng đã được nói đến rất nhiều, nếu bạn nào từng tìm kiếm thông tin này thì chắc cũng biết OnlyDalat. Ở bài này, xin được giới thiệu những địa điểm tham quan, vui chơi tại Đà Lạt cho các bạn tham khảo.

Hồ Đa Nhim



Hồ Đa Nhim nằm ở thị trấn Dran, cách Đà Lạt 36km về hướng đông nam. Năm 1961, các chuyên viên Nhật Bản và các chuyên viên, công nhân Việt Nam đã xây dựng một đập đất dài 1.460m, cao 38m chắn ngang dòng sông Đa Nhim tạo thành hồ chứa nước rộng 9,7km2 với dung tích 165 triệu m3. Nước chảy qua một đường hầm dài 4.878m, đường kính 3,4m, xuyên qua lòng núi và hai ống thuỷ áp dài 2.340m, tạo thành cột nước cao 800m, cung cấp nước cho nhà máy thuỷ điện Đa Nhim đặt ở Sông Pha (tỉnh Ninh Thuận) với công suất 160MW, khánh thành vào năm 1964, và nước tưới cho vùng đồng bằng tỉnh Ninh Thuận.

Vì lý do an ninh, du khách không được đến gần đập nước và cửa xả lủ nhưng có thể nhìn hồ Đa Nhim và thung lũng sông Đa Nhim từ đèo Dran hay trên ngọn đồi sau chùa Giác Nguyên.

Hồ ĐanKia - Suối vàng
Hồ Đan Kia - Suối Vàng nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 17km về hướng tây-bắc. Sông Đạ Đờng (Đa Dâng, Da Deung; ở hạ lưu gọi là sông Đồng Nai) bắt nguồn gần đỉnh núi Chư Yan Kao (2006m) thuộc xã Đạ Long, huyện Lạc Dương. Sau khi hợp lưu với suối Da Lien Deur về phía tả ngạn, sông Đạ Đờng đổ vào hồ Đan Kia (Đăng Kia, Dangkia, Dankir, Dankia) rộng 2,2km2 và hồ Suối Vàng (hồ Ankroet) rộng 0,28km2, rồi xuôi vào Nam.

Trước năm 1919, trên cao nguyên Lang Biang có nhiều buôn của người Lạch (Lac, Lat, M’Lates) và người Chil (Chin, Cil), buôn lớn nhất là buôn Đan Kia ở ven sông Đạ Đờng. 
Hiện nay, đến khu vực hồ Đan Kia- Suối Vàng, du khách sẽ lần lượt tham quan Thung lũng Vàng, thác Ankroet, đập nước Suối Vàng, hồ Đan Kia. Du khách cũng có thể nhìn toàn cảnh hồ Đan Kia – Suối Vàng khi đến đỉnh núi Radar (1950m) trong Khu Du lịch Lang Biang.

LỘ TRÌNH:
- Khu Hoà Bình – đường 3 tháng 2 – Hải Thượng – Hai Bà Trưng – Bạch Đằng – Nguyễn Văn Siêu – Xô Viết Nghệ Tĩnh – Ankroet.
- Khu Hoà Bình – đường 3 tháng 2 – Hoàng Văn Thụ – Trần Văn Côi – Ankroet.

Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm

Khu vực hồ Tuyền Lâm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 6km về phía nam, có khí hậu trong lành, không gian yên tĩnh, cảnh quan tự nhiên (rừng, núi, hồ, suối, thác,…) đa dạng, quyến rũ và có nhiều yếu tố nhân văn hấp dẫn, hứa hẹn trở thành khu du lịch có quy mô lớn với nhiều loại hình du lịch đặc sắc như: tham quan thắng cảnh, cắm trại, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, đi bộ, leo núi, câu cá, thăm căn cứ cách mạng, lễ hội - tín ngưỡng, vui chơi giải trí, thể thao,… đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái. 

Hồ Tuyền Lâm có diện tích hơn 350ha, độ sâu có nơi trên 30m. Nước hồ chảy qua một đập tràn 6 bậc và cung cấp nước tưới cho vùng đất dưới chân đèo Prenn (huyện Đức Trọng) vào mùa khô. 

Sau khi vãn cảnh Thiền viện Trúc Lâm, du khách có thể mua vé du thuyền đi dọc hồ và tham quan các điểm du lịch nằm phía cuối hồ như khu du lịch Đá Tiên, khu du lịch dã ngoại Nam Qua, khu dã ngoại Dalat tourist để thưởng thức các món ăn đặc sản Đà Lạt, rượu cần, xem múa hát lễ hội cồng chiêng, cắm trại trong rừng, cưỡi ngựa, voi,...

Thiền viện Trúc Lâm toạ lạc trên núi Phụng Hoàng cao 1.446m ở phía đông nam hồ Tuyền Lâm.

Thiền viện Trúc Lâm được khởi công xây dựng ngày mồng 8 tháng 4 năm Quý Dậu (28-51993), khánh thành ngày mồng 8 tháng 2 năm Giáp Tuất (19-2-1994).

LỘ TRÌNH:
* Khu Hoà Bình – Lê Đại Hành – Trần Quốc Toản – Hồ Tùng Mậu – đường 3 tháng 4 – đèo Prenn – Trúc Lâm Yên Tử – hồ Tuyền Lâm.
* Khu Hoà Bình – đường 3 tháng 2 – Pasteur – Triệu Việt Vương – Trần Thánh Tông – Trúc Lâm Yên Tử – hồ Tuyền Lâm.

Khu du lịch Hồ Than Thở
Nhận thấy vùng này rất hoang vu, chỉ nghe tiếng gió rì rào qua kẽ lá tạo thành một khúc nhạc buồn, người Pháp mới đặt tên là Lac des Soupirs. 

Soupir có nghĩa là tiếng gió thổi trong rừng (les soupirs du vent dans les bois) nhưng cũng có nghĩa là sự than thở. Vì khó dịch theo nghĩa thứ nhất, người ta đã dịch theo nghĩa thứ hai, do đó hồ mang tên hồ Than Thở. 

Vào lúc bình minh, sương mù bao phủ mặt hồ, tạo nên một bức tranh thuỷ mặc tuyệt đẹp, nên sau năm 1975 hồ Than Thở có lúc mang tên hồ Sương Mai. 

Hồ Than Thở nằm ở phía đông bắc thành phố Đà Lạt, ven đường Hồ Xuân Hương, gần khu phố Lâm Viên và Thái Phiên, cách khu Hoà Bình 5,8km. 

Từ khu Hoà Bình đến hồ Than Thở, xe chạy qua các đường Lê Đại Hành, Trần Quốc Toản, Yersin, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Phan Chu Trinh, Hồ Xuân Hương. 

Đến khu du lịch hồ Than Thở, du khách dạo chơi dưới rừng thông, cưỡi ngựa, đi trên chiếc cầu bê-tông giả gỗ, chụp ảnh, đi xe đạp nước, cắm trại,… Du khách còn có thể đến đồi thông phía bên kia đường (thường gọi là Đồi thông hai mộ), thăm mộ chị Nguyễn Thị Thảo, mất năm 1956, thông cảm cho mối tình dang dở.

Hồ Xuân Hương
Ngày xưa, nơi đây vốn là vùng đầm lầy mọc cỏ lác dùng để dệt chiếu và ruộng lúa của người Lạch sản xuất ven dòng suối Đạ Lạch (nay gọi là suối Cam Ly). Gần góc đường Nguyên Tử Lực- Bà Huyện Thanh Quan có một buôn của người Lạch.

Vào mùa nắng, mặt hồ Xuân Hương trong xanh, phẳng lặng, nhưng vào mùa mưa, thỉnh thoảng nước đỏ ngầu do phù sa các dòng suối chảy về. 
Trên mặt hồ đã tổ chức đua thuyền buồm, thuyền độc mộc, ca-nô, lướt ván, biểu diễn máy bay điều khiển từ xa, bắn pháo hoa,…

Các con đường chạy quanh hồ Xuân Hương (Nguyễn Thái Học, Bà Huyện Thanh Quan, Yersin, Trần Quốc Toản, Lê Đại Hành) dài 5,1km, tương đối bằng phẳng, là nơi thường diễn ra đua xe đạp cúp truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh trước ngày 30-4, đi bộ vào buổi sáng và chạy việt dã trong những dịp lễ hội. Du khách có thể thuê xe đạp đôi chạy quanh hồ.

Chung quanh hồ Xuân Hương có nhà Thuỷ Tạ, khách sạn Sofitel Dalat Palace, công viên Xuân Hương, nhà hàng Xuân Hương, nhà hàng Thanh Thuỷ, đài phun nước, khách sạn Empress, khách sạn Hương Trà, toà giám mục giáo phận Đà Lạt, khu vui chơi giải trí Đà Lạt, đồi Cù, vườn hoa thành phố, chùa Quan Thế Âm, khách sạn Du lịch Công đoàn, công viên Yersin, quảng trường (sân vận động), Trung tâm Văn hoá - Thông tin Lâm Đồng, Trung tâm Lễ hội Văn hoá Du lịch Lâm Đồng.

 Trước nhà Thuỷ tạ là một vườn hoa nhỏ (ngày xưa gọi là vườn hoa Tao Đàn) với nhiều loài hoa đẹp, trong đó có một trong những cây phượng tím (Jacaranda acutifolia) xưa nhất trồng từ năm 1960.

Hồ Xuân Hương có nhiều điểm, góc chụp hình rất đẹp, là nguồn cảm hứng của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ, nổi tiếng nhất là hai bài thơ sáng tác năm 1933: Đà Lạt trăng mờ của Hàn Mặc Tử và Đà Lạt đêm sương của Quách Tấn.
* Nguồn: Thông tin du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt 2007

Comments

Popular posts from this blog

Cẩm nang du lich Sapa

Lễ hội đèn Trung thu lớn nhất VN

Ba cây cầu dây văng bắc qua sông Mêkong