Sài Gòn

Một trong những điều thú vị khi sống ở Sài Gòn, đó là một nơi dễ sống mà cũng khó sống.

Khi ra đường, nhiều lúc bạn không thể quyết định uống ở đâu, ăn ở đâu, đi đâu và làm gì vì có quá nhiều nơi để đi, quá nhiều hoạt động để làm trong khi túi tiền thì eo hẹp. Bạn không thể tiêu xài xả láng.

Tuy nhiên, dù bạn có bao nhiêu tiền đi nữa, bạn vẫn tìm được một chỗ đi cho mình. Nói chung, tiền hàng trăm, hàng triệu cũng hết mà vài chục nghìn trong túi như tôi vẫn sống như thường.

Ví dụ, có nơi cafe lên đến 55.000 đồng một ly, cũng có lúc nước uống lên đến hàng 120 tới 150 nghìn như ở tầng 9 Caravelle, nhưng với 3000 trong tay, tôi cũng có thể hài lòng với ly cafe lề đường Hàn Thuyên dọc công viên gần nhà thờ Đức Bà.

Tối không biết đi đâu, lòng vòng ăn chè, uống nước sâm cũng chỉ mất 5.000 - 10.000 nhưng đâm đầu vào bar, vào pub thì sẽ mất từ 100.000 đến 500.000 khi share, còn solo cũng phải từ 1 đến 2 triệu.

Ăn uống hay mua sắm ở Sài Gòn cũng thế, rất dễ chịu. Sướng nhất là cái khoản ăn khuya từ các quán lề đường ngon, bổ, rẻ cho đến các nơi sầm uất vừa ăn, vừa ngắm các "em" tản ra từ các nơi ăn chơi... Dưới đây là một số nơi mình có chụp hình.

Được ông anh họ dắt đi quán cafe nằm. Nằm ở đây là nằm lành mạnh, nằm đúng nghĩa, có wifi đàng hoàng. Quán có nhiều tấm nệm bé, gối ôm dọc theo các bức tường. Giá nước chấp nhận được và tha hồ nhâm nhi và... "ngủ".

Trong cái không gian êm ái đấy, cuộc chiến giữa tôi, cái vợt điện và bầy muỗi vẫn diễn ra khốc liệt. Các em muối bay từng đàn, theo chiến thuật tấn công hỗ trợ ở nhiều nơi nhưng vẫn bị các chiêu cầu lông của anh Duy tiêu diệt. Tiếng nổ lốp bốp cộng với tiếng rú gầm của các loại chuông điện thoại, tiếng gõ máy tính, tiếng máy lạnh, tiếng cười nói rúc rích tạo nên nét đặc trưng cho quán cafe "muỗi" này.

Highland cafe đúng là dở, ngon một chút thì lại đắt, chỉ có thức uống freeze gì gì đó còn tàm tạm nhưng lại trên 55.000 đồng. Chất lượng cafe thì xin lỗi như kiểu ly cafe đen ngoài đường uống hết xin thêm tí trà đổ vào ấy, nhạt nhẽo.

Mà dạo này Highland ở Lê Lợi, nhân viên làm việc chậm dã man. Ngồi 30 phút mới có đồ uống, lại quên tiền trả lại nữa. Chắc tại khách đông nên các em choáng. Đủ các loại thành phần... wifi. Bực mình nhất là mỗi địa chỉ Highland lại phải đăng ký một cái username và password khác nhau.

Mà đúng theo lời bạn bè, uống cafe ở Highland thấy nóng thật vì ánh nắng mặt trời hắt vào qua các khung cửa kính, trong khi máy lạnh thì quá yếu... Chỉ được cái tiện lợi. Mình lại thích tầng hai của Ciao Nguyễn Thiệp - Nguyễn Huệ hơn, nhưng đồ uống thì rất đắt. Mình chỉ dám gọi cái gì rẻ nhất như cafe đá 27.000 thôi.

Cafe Terrace và Paris Deli : Nếu biết gọi, bạn có thể chọn một thức uống hợp túi tiền, chỗ ngồi thoáng mát. Bên trong nhà cấm hút thuốc. Có rất nhiều diễn viên, người mẫu, khách quen, khách lạ, khách vãng lai ra ngồi để soi nhau.

Vị trí đẹp nằm ngay dưới chân và cửa chính ra vào toà nhà 65 Lê Lợi nên giờ thích hợp để tăm tia mọi người là từ 4 - 5 giờ. Chỗ ngồi ngoài trời thoáng mát nhưng tránh giờ cao điểm vì sẽ phải chịu đựng khói xe từ đường Pasteur. Wifi ổn và ổ cắm điện chỉ có ở một số vị trí nhất định. Giữ xe 3000.

Đi ăn: sướng nhất vẫn là các quán lề đường. Cả năm qua, không ốc, hột vịt lộn, nghêu, nên giờ đi ăn bù. Từ hủ tíu, bánh canh, bún bò, phở, từ quán máy lạnh cho đến không máy lạnh, lề đường tới trong hẻm đều chơi tuốt.

Về Việt Nam khoái nhất là đi ăn cái gì cũng có một đống rau để nhai. Bánh tráng phơi sương, làng nướng, lẩu đủ kiểu, bún chả "hàng Trần Cao Vân", các loại nem gỏi, cuốn đủ kiểu. Gì chứ lẩu trong Nam ngon tuyệt. Đi ăn ốc, có thêm mấy món mà chưa bao giờ xơi như con "móng tay" (hình thứ 3 dưới đây), càng ghẹ. Món xa xỉ nhất mà mình đau khổ ngậm đắng nuốt cay ăn bù cho những ngày tháng ở Anh là sushi và các món khác ở Sushi bar... Đây là những món mình chỉ dám đi ngang cửa kính thèm thuồng, không dám vào măm vì biết rằng, phải mất ít nhất 50 bảng.

Có hai nơi mà mình "du lịch" được là nhà thờ Đức Bà và chùa Bà Thiên Hậu ở quận 5 xây dựng từ năm 1760. Ta có thể chiêm ngưỡng một số kiến trúc độc đáo bên trong Chùa qua các tượng, điêu khắc trạm trổ trên mái chùa và không khí nơi tôn nghiêm. Toàn bộ vật liệu xây dựng chùa đều được mang từ Trung Quốc sang, nóc chùa có gắn đồ gốm diễn tả lại những phong tục ngày xưa bên Trung Quốc như "đả võ đài", "bái tổ vinh quy"... do hai lò gốm Bửu Nguyên và Đồng Hòa sản xuất vào năm 1908.

Trong chính điện còn hai đại đồng chung niên hiệu Càn Long năm thứ 60 (1796) và Đại Quang năm thứ 10 (1830). Trung điện có bộ lư phát lam niên hiệu Quang Tự thứ 12 (1886). Trong tủ kính lớn ở chánh điện là tượng Bát Tiên và tướng lịnh của D''''Ariès vào năm 1860 cấm các binh sĩ Pháp và Y-Pha-Nho phá phách.

"Bà Thiên Hậu có tên thật là Mi Châu, sinh ngày 23/3 (âm lịch) năm Giáp Thân (1044), sống ở Phước Kiến (Trung Quốc). Theo sự tích kể lại thì ngày hôm ấy cha là Lâm Tích Khánh cùng hai anh trai đi thuyền chở muối đến Giang Tây, giữa đường gặp bão lớn. Lúc đó bà đang ngồi dệt vải cạnh mẹ nhưng xuất thần để đi cứu cha và hai anh. Bà dùng răng cắn được chéo áo của cha, hai tay nắm hai anh, giữa lúc đó mẹ kêu gọi bà, ép bà trả lời, bà vừa hở môi trả lời thì sóng cuốn cha đi mất dạng, chỉ cứu được hai anh. Từ đó mỗi khi thuyền bè ngoài biển bị nạn người ta đều gọi vái đến bà. Năm Canh Dần (1110) nhà Tống sắc phong cho bà là "Thiên Hậu Thánh Mẫu".

Trước cửa chùa Bà

Phía bên trong Nhà thờ Đức Bà là lối kiến trúc hài hòa độc đáo từ thời Pháp. Nhà thờ tiền thân của nhà thờ Đức Bà với 2 tháp chuông cao 40 m, là nhà thờ đầu tiên ở Sài Gòn Gia Định được xây trên nền đất của một ngôi chùa Việt, sau đó được tu sửa và hoàn thiện một lần nữa vào năm 1865.

Cho đến năm 1877 thì được xây lại mô phỏng theo nhà thờ Đức Bà ở Paris. Năm 1895, nhà thờ xây thêm hai tháp chuông, mỗi tháp cao 57,6 m và hai tháp có 6 chuông đồng lớn nặng 28,85 tấn. Trên đỉnh tháp có đính một cây thánh giá cao 3,50 m, ngang 2 m, nặng 600 kg. Tổng thể chiều cao từ mặt đất lên đỉnh thánh giá là 60,50 m.

Ngay phía trên cao phía cửa chính là "gác đàn" với cây đàn organ ống, một trong hai cây đàn cổ nhất Việt Nam hiện nay. Đàn này được các chuyên gia nước ngoài làm bằng tay, thiết kế riêng, để khi đàn âm thanh đủ cho cả nhà thờ nghe, không nhỏ mà cũng không ồn. Phần thân đàn cao khoảng 3 m, ngang 4 m, dài khoảng 2 m, chứa những ống hơi bằng nhôm đường kính khoảng một inch.

Phần điều khiển đàn nằm riêng nối với thân đàn bằng những trục, có những phím đàn như đàn organ bình thường và những phím to đặt dưới sàn nhà (dài chừng 3 m, ngang khoảng 1 m) để người điều khiển đàn đạp lên khi dùng nốt trầm. Đàn còn có những thanh gõ lớn để đập vào phần dưới các ống hơi phát ra âm thanh.

Hiện nay, cây đàn này đã hoàn toàn hỏng do bị mối ăn phần gỗ bàn phím điều khiển bằng tay. Hiện tại, thánh đường đang sử dụng một cây đàn tương tự nhưng nhỏ hơn rất nhiều, do một cựu lãnh sự Pháp tại TP.HCM "gửi".

Có rất nhiều du khách đặt chân đến đây. Vậy mà không hiểu tại sao có rất nhiều người ban đêm hay ban ngày đều dừng chân "tưới gạch" bên ngoài xung quanh nhà thờ. Hiện nay cứ mỗi tối là nơi tụ tập của hàng trăm trai thanh nữ tú...

theo Blog Du

Comments

Post a Comment

Popular posts from this blog

Cẩm nang du lich Sapa

Lễ hội đèn Trung thu lớn nhất VN

Ba cây cầu dây văng bắc qua sông Mêkong